Hoàn thiện Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải

Dự kiến sẽ có 12.000 tỷ đồng được đầu tư vào Đề án, trong đó, 3.000 tỷ từ vốn ngân sách nhà nước và 8.400 tỷ vốn xã hội hóa, còn lại là từ các nguồn vốn khác…

Tại "Hội thảo tham vấn các đối tác quốc tế và tổ chức tín dụng trong nước về Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" diễn ra chiều 29/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 tới.

Tại hội thảo, các diễn ra cho rằng vùng lúa chuyên canh chất lượng cao 1 triệu ha có thể được coi là hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới, qua đó sẽ thu hút sự quan tâm và hỗ trợ của đối tác quốc tế về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ trước những thách thức về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.

Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu là bán tín chỉ trên thị trường carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Người nông dân khi tham gia Đề án sẽ được hưởng thành quả do mình làm ra, đồng thời huy động thêm các thành phần kinh tế tham gia khi triển khai Đề án.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) cho rằng, cần làm rõ hơn những ưu tiên về cơ chế, chính sách để có thể huy động nhiều nguồn vốn khác nhau khi thực hiện các mục tiêu của Đề án.

Ông Hùng cũng đề xuấ, giảm phát thải carbon theo cam kết "Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trình lên Liên Hợp Quốc đã nằm trong chương trình ưu tiên của Chính phủ, về ngoài những định hướng về thị trường, giá bán tín chỉ carbon, cần làm rõ hơn nhưng cơ sở để đề xuất ưu tiên sử dụng các nguồn vốn khác nhau khi thực hiện các mục tiêu của Đề án.

Ông Li Guo, Chuyên gia cao cấp Kinh tế nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: "WB hiện đang thực hiện dự án hỗ trợ khoảng 40 triệu USD cho Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải, cùng với đó là Dự án trị giá 60 triệu USD để phát triển thị trường tín chỉ carbon sau năm 2027, bên cạnh đó còn có chương trình hỗ trợ 20 triệu USD không hoàn lại để hỗ trợ Đề án. WB mong muốn phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và các nhà tài trợ thực hiện các dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, Đề án sẽ chuyển đổi căn bản hệ thống sản xuất lúa ở vùng này, cùng với đó gắn với việc chuyển đổi tư duy sản xuất của nông dân về nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng. 

Đề án đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi có thời gian và lộ trình cụ thể. Bộ đã và đang tập trung hoàn thiện đề án, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 4 năm nay.

"Đề án không chỉ phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao mà còn nâng cao vai trò của hợp tác xã để trở thành các doanh nghiệp hướng đến sản xuất quy mô lớn. Quan điểm của Bộ NN&PTNT là huy động nguồn lực xã hội tham gia, trong đó có hỗ trợ một phần về cơ chế, chính sách của Nhà nước, huy động nguồn lực của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức quốc tế và tổ chức tín dụng để hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Đỗ Hương

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ - https://baochinhphu.vn/hoan-thien-de-an-phat-trien-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-giam-phat-thai-102230329191115412.htm


(*) Xem thêm

Đã thêm vào giỏ hàng