Hội thảo quốc tế "Phụ phẩm nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo"

Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Ngày 28/9/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Phụ phẩm nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo". Tham dự Hội thảo gồm các đại biểu từ các Vụ, Cục thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố phía Nam, đại diện các tổ chức quốc tế…

Theo báo cáo của Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%) (Tổng cục Thống kê, 2021). Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Phụ phẩm từ ngành trồng trọt có khối lượng lớn nhất trong tổng lượng phế phụ phẩm ngành nông nghiệp. Phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch từ rơm lúa chiếm khối lượng lớn (42,8 triệu tấn), thân cây bắp (10 triệu tấn), rau và quả (3,6 triệu tấn), thân cây mì (3,1 triệu tấn), trái giả đào lộn hột (3,1 triệu tấn) và các loại  khác (6,1 triệu tấn). Phụ phẩm từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt gồm: Vỏ trấu 8,6 triệu tấn, bã mía 3,5 triệu tấn, lõi bắp 1,4 triệu tấn, vỏ củ mì 1,3 triệu tấn và các loại khác là 2 triệu tấn.

Đối với ngành chăn nuôi, theo ước tính năm 2020, tổng đàn gia súc, gia cầm nước ta thải ra trên 60,4 triệu tấn phân và trên 290 triệu m3 nước tiểu (Tổng cục Thống kê, 2020). Ngoài ra, hằng năm có nhiều triệu tấn chất độn chuồng thải ra từ ngành chăn nuôi, tuy nhiên chưa có số liệu điều tra đánh giá về nguồn phụ phẩm này.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu m3 gỗ tròn, thải ra 3,4 triệu tấn vỏ, cành, lá và quá trình chế biến tạo ra 2,4 triệu tấn mùn cưa. Các phụ phẩm này được dùng ép viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ… Chính vì vậy, hướng tới một nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và cao hơn là nông nghiệp tuần hoàn không chất thải.

Phụ phẩm từ chế biến thủy sản theo số liệu thống kê hiện có khoảng 1 triệu tấn (chiếm 15-20% so với tổng sản lượng thủy sản chế biến). Sử dụng và chế biến phụ phẩm thủy sản: 90% phụ phẩm chế biến thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích, có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như collagen, hay một số thực phẩm ăn liền...

Một số báo cáo chính tại Hội thảo tập trung vào một số nội dung chính như Phát triển sản phẩm nông sản chế biến sinh thái - công bằng và sử dụng phụ phẩm trong sản xuất tuần hoàn; Kinh tế tuần hoàn xanh dựa trên lúa – rơm; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp rừng; Phân hữu cơ, giải pháp cho phụ phẩm rơm rạ trong nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long; Mô hình xử lý, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo; Kinh nghiệm quốc tế về xử lý và sử dụng phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp…

Tại Hội thảo, một số giải pháp được đưa ra trong thời gian tới là cần đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng về ý nghĩa của phụ phẩm nông nghiệp trong nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, nền nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thu hút sự quan tâm, thay đổi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về quản lý hiệu quả phụ phẩm của ngành nông nghiệp. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, nông nghiệp gắn với du lịch; phổ biến kiến thức, kỹ thuật, công nghệ và quản trị, kinh doanh về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái đến các tổ chức liên kết sản xuất trong nông nghiệp, trong đó ưu tiên các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, hình thức nông nghiệp gia công áp dụng công nghệ cao để phát huy giá trị của nguồn phụ phẩm….

Nguồn: Mard.gov.vn - https://www.mard.gov.vn/Pages/hoi-thao-quoc-te-phu-pham-nong-nghiep--nguon-tai-nguyen-tai-tao-.aspx
 


(*) Xem thêm

Đã thêm vào giỏ hàng